Rau gia vị làm cho món ăn thêm mầu sắc, hấp dẫn, lôi cuốn bởi những hương vị đặc trưng chứa trong tinh dầu thơm của nó. Rau gia vị phần lớn có chất kháng sinh thực vật có tác dụng kìm hãm vi khuẩn phát triển. Món lòng lợn dễ nhiễm trùng gây rối loạn tiêu hóa thì đã có rau thơm rau húng. Canh trai, canh hến sợ khó tiêu đã có rau răm. Cứ thế mỗi món ăn lại kèm theo một “liều thuốc” kích thích tiêu hóa.
Trong ẩm thực Việt có rất nhiều các loại rau thơm khác nhau. Đúng như tên gọi của nó, mỗi loại rau thơm có mtùi thơm và hương vị riêng biệt đặc trưng. Chúng không những làm món ăn thêm đầy đủ trọn vị mà còn đóng vai trò như các vị thuốc chữa bệnh.
Sau đây mình xin giới thiệu 1 số loại rau thơm, rau gia vị thông dụng và tên gọi của chúng bằng tiếng Anh.
HÀNH LÁ (SPRING ONIONS / SCALLION)
Hành lá được dùng trong hầu hết các món canh, bún, phở, mì, các món xào, kho cũng thường được rắc thêm ít hành lá vừa để thêm gia vị vừa để tạo thêm màu sắc trang trí cho món ăn.
Ở VN có 3 loại hành phổ biến:
+ Hành Hoa (Welsh onion-bunching onion): lá nhỏ, bụi nhỏ, có mùi thơm.
+ Hành Trâu/Sậy: lá to, bụi lớn, gốc tím
+ Hành Đá: lá và bụi thuộc dạng trung gian, phổ biến vì năng suất cao.
RAU MÙI – NGÒ RÍ (CORIANDER / CILANTRO)
Sau hành lá, rau mùi là loại rau phổ biến thứ hai về “mật độ” xuất hiện trong các món ăn. Loại rau này có mùi thơm rất dễ chịu, rất dễ ăn kể cả đối với trẻ em.
Rau mùi trồng phổ biến khắp nước để ăn kèm với các món xào còn nóng như bò xào, mực tươi xào hay trộn lẫn với xà lách, bạc hà, húng quế, mùi tàu, ngổ để ăn bún chả, bún nem.
Rau mùi thường được dùng kèm với các món lỏng như canh, cháo, nước soup hoặc trong các món gỏi (nộm)
Phần gốc rau mùi thường được nấu với các loại canh hầm sẽ tạo mùi thơm cho canh, tác dụng giống như dùng hạt mùi.
Vào dịp giáp Tết, những cây mùi già trở thành hàng “hot” khi được rất nhiều người mua về đun lấy nước lá mùi dùng để tắm gội. Đây là một phong tục đã nhiều năm với ý nghĩa là làm cho thân sạch sẽ, thơm tho để đón Tết.
NGÒ GAI
(Culantro / Saw-leaf herbs / Sawtooth / Spiritweed / Eryngo)
Rau mùi tàu là loại rau có lá viền răng cưa, khá sắc nên có lẽ vì thế mà ở miền Nam nó có tên gọi là ngò gai.
Rau này cũng có mùi rất thơm đặc trưng. Đặc biệt trong các món canh chua, như canh chua măng, canh chua cá lóc…
Ngò gai có công dụng như ngò ôm, được sử dụng với các món đặc trưng như phở, bò kho, canh khoai, canh chua…
RAU RĂM (VIETNAMESE MINT)
Được trồng chủ yếu ở các vùng đất ẩm ướt.
Rau răm có vị cay, tính ấm. Được sử dụng chủ yếu để cân bằng các món ăn tính lạnh như trứng vịt lộn, cháo trai, cháo hến, ốc, gỏi nộm.
Rau răm là loại rau dùng để khử mùi tanh rất tốt, có vị thơm và cay nhẹ, chúng thường được dùng để khử mùi tanh của cá và các loại hải sản.
Tuy không cùng họ với ngò và húng, nhưng tên tiếng Anh của rau răm lại là Vietnamese coriander/cilantro hay Vietnamese mint, hot mint, Cambodian mint. Ở 1 số nước rau răm còn được gọi là laksa herb, praew leaf.
RAU NGỔ – NGÒ ÔM
(RICE PADDY HERB)
Rau ngổ có mùi thơm rất dễ chịu, có vị hơi đắng, thường được dùng trong các món canh chua, canh khoai sọ hầm xương, vịt nấu chao…
Ngoài làm rau gia vị, rau ngổ còn được làm rau chính trong một món ăn khá phổ biến là rau ngổ xào thịt bò.
LÁ BẠC HÀ (MINT)
Lá bạc hà hay còn gọi có vị cay, thơm và thanh mát được dùng nhiều như húng quế trong các món ăn kèm rau sống, nộm-gỏi, nước giải khát thanh nhiệt (mojito).
Bên ngoài bạc hà khá giống húng lủi (hình ảnh ở dưới), nếu không để ý kĩ sẽ rất dễ bị nhầm.
Lá bạc hà có nhiều răng cưa hơn và bề mặt có một lớp lông mịn nhỏ. Lá húng lủi (Water mint) có phần trơn láng hơn và ít “nhăn” hơn.
Thân bạc hà hình vuông, mọc đứng hoặc hơi bò, phân nhánh, màu xanh hoặc tím nhạt có nhiều lông ngắn.. Thân húng lủi thường bò sát đất, rễ mọc chùm dưới đất và có thể mọc ngang thân.
Ở nước ngoài có nhiều giống bạc hà khác nhau, được gọi tên riêng như Sweet mint, pepper mint…
Bạc hà hay húng lủi đều có những nhánh lá rất đẹp, chúng dùng để trang trí món ăn, bánh hay đồ uống. Vì thế, đây là loại rau trang trí yêu thích của các đầu bếp và nhiếp ảnh gia.
THÌ LÀ (DILL)
Vì có tính khử mùi tanh nên thì là là loại rau không thể thiếu được trong các món cá như canh cá, canh riêu, cá xốt cà chua, cá kho, cá hấp, lẩu cá, chả cá, bún cá…
Hạt thì là cũng có mùi thơm, có thể được dùng để trong nấu ăn, hoặc làm bánh.
Hiện nay ở VN cũng đã phổ biến loại thì là tây (FENNEL). Đây là một loại rau có lá gần giống thì là ta nhưng phần củ thì phình to ra. Phần củ thường được cắt rời với phần lá và bán riêng. Phần củ thì là này được dùng để làm salad, trộn gỏi, xào thịt bò, nấu súp, nấu với cá hoặc thịt gà, nướng.
HÚNG QUẾ – HÚNG CHÓ (THAI BASIL)
Húng quế (hương nhu tía) còn có tên gọi dân gian là húng chó, có lẽ là do món đặc sản thịt chó không bao giờ có thể thiếu được loại rau này. Húng quế được dùng để ăn sống rất phổ biển. Xuất hiện ở hầu hết các đĩa rau sống trong mọi hàng ăn.
Những món như tiết canh, thịt ngan vịt luộc hay quay, lòng lợn luộc… cũng thường có húng quế ăn kèm mới đúng vị.
Đây là loại rau gia vị được dùng rất phổ biến trong ẩm thực Thái, vì vậy tên tiếng Anh người ta gọi nó là Thai Basil.
Cây húng quế cho ra hoa màu tím rất đẹp. Hạt húng quế chính là hạt é (hột é) mà chúng ta thường dùng trong các món giải khát.
KINH GIỚI (VIETNAMESE BALM – Cokscomb Mint)
Lá kinh giới có vị thơm đặc trưng, được sử dụng khá phổ biến trong các món ăn miền Bắc, như rau luộc, đậu phụ chấm mắm tôm, bún chả Hà Nội…
Tuy là hai loại cây khác nhau nhưng 1 số vùng còn gọi kinh giới là HÚNG CHANH .
*Lá húng chanh (lemon basil)
Lá húng chanh dày, giòn, mọng nước, mép khía răng tròn. Thân và lá mập, có lông mịn, thơm và cay. Quả nhỏ, tròn, màu nâu. Toàn cây có lông rất nhỏ và thơm như mùi chanh nên được gọi là húng chanh.
Loại lá này rất nổi tiếng trong bài thuốc chữa ho dân gian, miền Nam còn gọi đây là cây tần dày lá. Lá tần xanh tốt quanh năm nên thường được làm rau sống ăn với gỏi, thịt heo luộc, xào cùng thịt bò.
TÍA TÔ (PERILLA LEAF / PURPLE MINT)
Tía tô là loại rau sống rất phổ biến. Nó có màu tím tía đặc trưng, vị hơi the nhưng rất thơm. Trong ẩm thực Việt Nam, cây kinh giới có tác dụng trong việc giải cảm, hồi phục sức khỏe, là nguyên liệu chính của nồi nước xông giải cảm.
Được dùng trong các món ăn như cháo, bún ốc, bún riêu cua, phở cuốn, ốc/ếch/lươn om chuối đậu…
Các bạn thích ăn món ăn Nhật hẳn các bạn cũng để ý thấy là lá tía tô xanh rất hay được dùng để ăn kèm với sushi hoặc để trang trí trên đĩa sushi, maki rất đẹp mắt. Giống tía tô này (shiso) có hương vị và mùi dịu nhẹ hơn.
DIẾP CÁ (FISH MINT / Houttuynia cordata)
Còn được gọi là dấp cá, loại rau này có vị chua, mùi tanh, tính mát. Rau diếp cá được dùng nhiều để ăn sống, ăn với các món cuốn như gỏi cuốn, bì cuốn, bánh tráng cuốn, bánh xèo, các món gỏi, bún thịt nướng..
Diếp cá có nhiều lợi ích không ngờ trong việc chữa bệnh như giải sốt cho trẻ, điều trị bệnh trĩ, kháng viêm, ngừa mụn…
LÁ LỐT (PIPER LOLOT)
Thuộc loại cây thân cỏ lâu năm, mọc chủ yếu quanh nhà, rất dễ sống. Lá lốt có vị cay nồng, tính ấm, chống hàn được sử dụng chủ yếu trong các món chả rán, chuối nấu ốc, bò cuốn lá lốt.
Ngoài ra lá lốt còn được dùng để chữa một số bệnh như: đau nhức xương khớp, cước chân tay, chân tay tê lạnh, nôn mửa khó tiêu, đổ mồ hôi chân tay, giải cảm và giải độc cho cơ thể…
LÁ MƠ (PLUM LEAF)
Lá mơ hay còn gọi lá lá mơ lông không chỉ được biết đến là gia vị ăn kèm không thể thiếu với món thịt chó, thịt heo, lòng luộc mà nó còn là một vị thuốc chữa bệnh cực kỳ hiệu quả.
Lá mơ lông tính mát, có tác dụng nhuận gan, giải nhiệt, mạnh tỳ vị, tiêu thực, sát khuẩn, chữa phong tê thấp, tẩy giun, giải độc… nhưng thông dụng nhất vẫn là chữa các bệnh về đường tiêu hóa.
LÁ MÓC MẬT
Lá và quả của cây móc mật có vị thơm rất đặc trưng của loại quả vùng cao. Quả mắc mật giàu Vitamin C được dùng để nấu canh hoặc kho cho một số món ăn. Lá mắc mật có tinh dầu thơm nên được dùng chủ yếu trong các món kho, thịt quay. Lá có hàm lượng protein, sắt, mangan, can xi rất cao.
***Trên đây mình mới điểm danh các loại rau thơm thường dùng để ăn sống và bổ sung vào các món ăn chính giúp cho các món ăn trở nên hoàn hảo. Những loại rau thơm này là những thứ chúng ta hay dùng trong cuộc sống nhiều nhất.
Nếu kể đến các loại rau ăn sống khác thì còn có rất nhiều như xà lách, đinh lăng, lá sung, lá cóc non, rau muống chẻ, hoa chuối, chuối xanh, khế xanh, lá ổi, vv… Những loại này thường được ăn kèm với những món ăn đặc sản, các món nhậu, không phải những loại thường được dùng trong các món ăn hàng ngày.
Không chỉ tăng hương vị cho món ăn, các loại rau thơm còn được biết đến như bài thuốc có công dụng khá hữu hiệu trong chữa trị những bệnh thông thường cũng như cân bằng, hỗ trợ hấp thu và tiêu hóa thức ăn. cung nhu can bang tinh, ho tro hap thu va tieu hoa thuc an.
No comment yet, add your voice below!